Đó là những nhận xét mà tôi thường phải nhận khi bạn bè nhìn thấy chiếc máy rửa chén nằm trên gian bếp của tôi. Nhiều người chưa sử dụng qua các thiết bị rửa chén có lẽ sẽ tư duy rằng, nhà chỉ có vài người, sau bữa ăn thì rửa chén một chút là xong, cần gì đến máy móc. Nhiều người còn cho đó là sự lãng phí và có người cũng nói với tôi rằng: "Lười cũng lười vừa vừa thôi chứ". Thực tế khi bạn sử dụng qua, cảm nhận nó và bạn sẽ thấy đó là một món gia dụng cực hữu ích và thân thiện.
Thực tế công dụng thì chưa biết thế nào vì ngót nghét tuổi đời của nó cũng đã chục năm. Nhưng cũng vì tò mò và thế cũng vác về nhà để xem nó nó có giúp cho công việc nội trợ của vợ tôi tốt hơn không.Tôi tìm đến chiếc máy rửa chén khá vô tình, thông qua một bài chia sẻ trên Facebook của một người bán chuyên bán đồ điện tử nội địa Nhật. Chiếc máy mà tôi mua là Toshiba DWS-600D, ra đời cũng đã rất lâu vào năm 2008 và có giá vào khoảng 4,5 triệu đồng
Về cơ bản, mẫu máy này dành cho thị trường Nhật nên hoàn toàn nút bấm là tiếng Nhật. May thay ông chủ của cửa hàng này đã in sẵn các tờ giấy Việt hóa và dán vào từng nút bấm để người dùng có thể sử dụng. Chiếc máy cũng được xử lý lại trông khá mới và ổn nếu so với đời tuổi của nó.
Mẫu máy này sử dụng công nghệ Inverter tiết kiệm điện, có khả năng rửa được 6 bộ bát đĩa. Người dùng có thể tùy chọn rửa, sấy, hẹn giờ hoặc thiết lập các chế độ rửa. Tôi thường sử dụng chế độ auto, chọn bật và rửa, máy sẽ tự động làm sạch chén bát. Việc làm sạch chén bát của máy đòi hỏi có thêm muối rửa bát chuyên dụng, có giá dưới 100 ngàn đồng, thời gian sử dụng khá lâu, hơn 1 năm mới hết gói rửa chén này.
Ngay ngày đầu tiên về đến nhà, vợ tôi cũng đầy bất ngờ và hỏi ngay: "Cái máy rửa chén này thực tế có hiệu quả không hay chỉ là rửa cho có". Tôi hiểu cơ bản hàm ý của vợ tôi về việc máy có hiệu quả làm sạch những vết bẩn đơn giản chứ khó mà làm sạch dầu mỡ - loại vết bẩn mà tôi rất ghét, khó làm sạch và phải dùng nhiều nước rửa chén để tẩy rửa. Thôi thì cũng nên thử trước khi đưa ra phán xét về chiếc máy.
Nghe theo hướng dẫn của chủ cửa hàng, trước khi đưa chén bát vào máy, tôi tráng qua một lớp nước ở bên ngoài để loại bỏ thức ăn thừa, rồi từ từ xếp chúng vào máy. Máy chia ra đến 5 ngăn giúp tôi dễ sắp xếp chén, dĩa, ly và đũa. Mỗi ngăn với từng công dụng khác nhau, phân chia khá rõ ràng và khoa học. So với những mẫu máy mà tôi vừa thấy có xuất xứ từ châu Âu thì khoang chứa của máy Nhật được thiết kế gọn hơn, tiết kiệm diện tích hơn và rửa được số lượng nhiều hơn.
Sau khi đã hoàn tất việc xếp các vật dụng cần rửa vào máy, tôi cho 1 muỗng cà phê muối chuyên dụng, bật máy khởi động và chiếc máy sẽ tự tính toán, đưa ra thời gian để làm sạch. Thường tôi thấy chế độ tự động rơi vào khoảng 45-60 phút khi khoang chứa đồ đã đầy.
Khi đã bấm nút, chiếc máy sẽ bơm nước vào và sử dụng công nghệ đun nước nóng, tạo hơi nước nóng để làm mềm những thức ăn còn dính trên chén bát. Sau đó, khi đạt được nhiệt độ thích hợp sẽ tiến hành rửa chén. Thông thường chiếc máy sẽ đun nước đạt nhiệt độ 60-65 độ C, việc làm này giúp tẩy rửa vết bẩn và diệt khuẩn tốt hơn so với tay người dùng.
Chiếc máy có 4 vùng phun nước ở trên và dưới, dùng 2 cánh quạt chính bên dưới với áp lực mạnh để tạo ra các tia nước, làm sạch chén bát. Áp lực của những tia nước tẩy rửa chén bát rất tốt và thực tế, khi cầm chiếc bát đã rửa bằng máy, không còn một chút bẩn và rất sạch sẽ. Đặc biệt chiếc bát dính đầy dầu mỡ đều được làm sạch một cách đầy tỉ mỉ.
Điều tôi thấy được nhất đó là hiệu quả làm sạch, chén bát không dính bất cứ dầu mỡ và thậm chí là mùi so với kiểu rửa tay truyền thống thông thường. Khi rửa chén theo kiểu truyền thống, nếu tráng không kỹ có thể khiến cho mùi nước rửa chén vẫn mãi bám ở chén và không thực tế không tốt cho sức khỏe. Chiếc máy sau khi rửa bằng nước nóng ở nhiệt độ cao, máy sẽ sấy khô làm sạch, giúp diệt khuẩn và loại bỏ vết bẩn, mùi thức ăn bám trên thành chén bát.
Đối với riêng gia đình tôi, mỗi ngày chỉ cần rửa qua 1 lần vào buổi tối, sau các bữa ăn sáng, trưa, chiều của 3 người, tôi chỉ cần sắp xếp chén bát vào máy đợi đến khi khoang máy đã đầy chén mới thực hiện rửa chén. Mỗi lần rửa chén theo thông số thì sẽ tốn khoảng 11 lít nước và tiền điện rơi vào khoảng 3.000 đồng. Tính nhẩm tôi tốn vào khoảng hơn 100 ngàn đồng cho mỗi tháng nhưng bù lại tôi không tốn tiền mua nước rửa chén thường xuyên, hạn chế việc sử dụng nước hơn và chén bát được diệt khuẩn.
Đặc biệt hơn, tôi thấy nó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không hại da tay, giúp cho vợ tôi có thêm thời gian nhàn rỗi hơn để thực hiện các công việc khác bên cạnh chăm sóc cho con.
Đối với nhược điểm, tôi nhận thấy đây là mẫu máy cũ nên khi hỏng hóc kiếm linh kiện thay thế có thể khó khăn. Máy sử dụng điện 110v nên người dùng cần mua thêm thiết bị đổi áp từ 220v xuống 110v, trông gian bếp hơi rườm rà một chút. Còn lại tôi đánh giá nó khá tốt trong mức tiền bỏ ra.
Tuy vậy, nếu có điều kiện hơn, người dùng nên lựa chọn một mẫu máy mới để sử dụng đúng nguồn điện ở Việt Nam và có thời gian bảo hành tốt hơn. Một số mẫu máy mới có khả năng tiết kiệm điện và nước tốt hơn, chu trình rửa mạnh mẽ hơn. Giá bán rửa chén mới vào khoảng trên 10 triệu đồng và cũng có một mẫu máy đến từ Xiaomi cũng mới về Việt Nam cũng đang có mức giá khá tốt, dưới 10 triệu đồng có khả năng kết nối với smartphone để ra lệnh rửa chén bát và thông báo hoàn tất. Mẫu máy này sử dụng động cơ sấy theo chuẩn Nhật Bản có khả năng đẩy nền nhiệt trong máy lên chính xác 70 độ C để làm bốc hơi nước và sấy khô khử trùng đến 99,99% vi khuẩn.
Tùy theo điều kiện để lựa chọn mẫu máy cho phù hợp. Sau gần nửa năm sử dụng, đến nay tôi vẫn rất hài lòng với thiết bị rửa chén, hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.